Cho trẻ ngủ có lẽ là công việc khiến khá nhiều ông bố bà mẹ phải đau đầu. Ngay từ khi mới sinh, phần lớn các bé đều chưa quen với môi trường bên ngoài tử cung mẹ nên thường hay quấy khóc và giấc ngủ còn chưa ổn định. Khi lớn hơn, trẻ cũng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như thời tiết thay đổi, ốm mệt, trẻ nô đùa nhiều nên giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng. Để giúp bé ngủ nhanh và dễ dàng hơn, nhiều bà mẹ đã ôm bé vào lòng và ru cho bé ngủ nhưng vẫn không thể khiến bé thôi khóc và ngủ được trừ khi mẹ chịu đứng lên, đi đi lại lại trong phòng để ru bé. Đây là tình trạng chung của không ít gia đình có trẻ nhỏ, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra khá mệt mỏi vì phải đi lại nhiều để bế bé.
Để lý giải cho hiện tượng này, các nhà khoa học đã đi sâu tìm hiểu và thực hiện các nghiên cứu. Và câu trả lời chính là ở phản xạ tháo chạy của trẻ, ngay khi được mẹ bế lên và đi lại, trẻ sẽ ngay lập tức lấy lại bình tĩnh, sẵn sàng di chuyển cho cuộc thoát hiểm y như bản năng của loài động vật từ thời nguyên thủy xa xưa.
Năm 2013, các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Current Biology sau khi tiến hành thí nghiệm quan sát cách xoa dịu con cái của loài người và chuột. Đối với loài người, các nhà khoa học quan sát nhóm trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi mỗi khi khóc hay gắt ngủ sẽ được mẹ bế lên và đi bộ. Kết quả là các bé ngay lập tức hết hờn khóc và dịu lại, nhịp tim từ nhanh đã giảm rõ rệt. Nhóm tác giả cho biết: "Việc bế ẵm trẻ và đi lại liên tục như vậy có thể khiến cha mẹ mệt mỏi nhưng đó lại là bước tiến hóa có lợi với trẻ. Trẻ cảm thấy bình tĩnh và an toàn hơn, phản xạ giữ bình tĩnh có thể làm tăng xác suất sống sót của trẻ sơ sinh để chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp thoát hiểm khẩn cấp khi được mẹ địu, bế và đi hoặc chạy".
Phản xạ tháo chạy đã khiến trẻ trở nên bình tĩnh, nhịp tim chậm lại và dễ dàng chìm vào giấc ngủ mỗi khi được mẹ bế lên và đi lại.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn gắn thêm thiết bị theo dõi với 12 trẻ khỏe mạnh và yêu cầu các bà mẹ thực hiện 3 hoạt động: đặt bé xuống giường cũi, bế bé và chỉ ngồi yên, bế bé và đi lại quanh phòng trong 30 giây. Kết quả cũng không quá bất ngờ khi mà hầu hết các bé đều tỏ ra rất vui vẻ và hào hứng khi được mẹ bế đi lại trong phòng, hoặc ngồi bế nhưng vẫn đưa người qua lại. Tuy nhiên bé lại tỏ ra vô cùng khó chịu, cáu gắt khi bị đặt nằm yên trong cũi. Một phát hiện thú vị liên quan đến nhịp tim của trẻ qua thiết bị theo dõi cũng cho thấy khi được mẹ bế lên và đi lại, nhịp tim của trẻ lập tức chậm lại, không còn đập nhanh và mạnh như lúc trước đó.
Nhóm tác giả cho biết: "Phản ứng bình tĩnh và dễ chịu của trẻ sơ sinh sau khi được mẹ bế ẵm và đi lại là toàn bộ quá trình phối hợp trung tâm chỉ huy não, cơ vận động và hệ tim mạch. Nhịp tim của bé cũng ổn định hơn, khả năng giữ bình tĩnh cũng tốt hơn đáng kể khi bé được mẹ bế lên thay vì ngồi yên một chỗ. Những dữ liệu trên cho thấy rằng trẻ sơ sinh sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi được bế và di chuyển không chỉ về mặt hành vi mà còn về mặt sinh lý".
Hiện tượng này cũng lặp lại tương tự với thí nghiệm ở chuột. Những chú chuột con cũng trở nên bình tĩnh và không còn nhốn nháo khi được chuột mẹ cắp lên và đi lại vòng quanh. Điều này cũng chính là phản xạ sẵn sàng để thoát hiểm khi được bế lên cả ở trẻ sơ sinh và loài vật.
Các bậc cha mẹ không nên quá căng thẳng và lo lắng nếu bé chỉ ngoan khi được bế rong (Ảnh minh họa).
Các nhà nghiên cứu khẳng định khoa học đã chứng minh và lí giải về phản ứng sinh lý này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp cha mẹ hiểu hơn về nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả khi con khóc hay gắt ngủ. Kết quả nghiên cứu này cũng phần nào giúp giải tỏa sự căng thẳng và cực đoan của cha mẹ khi nghĩ rằng con mình quá khó tính khi quấy khóc và chỉ chịu nín nếu được bế lên. Chính vì vậy, khi thấy con khóc mà chỉ chịu nín hoặc ngủ được khi được mẹ bế lên và đi lại thì cha mẹ cũng không nên quá căng thẳng và có thể xem đây là một cách dỗ bé hiệu quả.
Viết bình luận